Kỹ năng thuyết trình là một dạng kỹ năng giao tiếp nhằm truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm, thông điệp một cách ngắn gọn, súc tích, hấp dẫn, hiệu quả đến một hoặc một nhóm người nghe. Đối với một người có kỹ năng thuyết trình, nhiệm vụ của họ là phải giúp người nghe hiểu được những gì mình đang nói, mục đích là giải quyết các vấn đề của người nghe hoặc đơn giản là cung cấp một thông tin mới cho họ.
Sự cần thiết của kỹ năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm
Kỹ năng thuyết trình cũng là kỹ năng quan trọng đối với một người làm Trình dược viên. Do đặc thù công việc phải thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với khách hàng về thông tin sản phẩm nên các trình dược viên cần trang bị khả năng thuyết trình tốt, sự tự tin và tạo thiện cảm trước khách hàng. Càng tạo thiện cảm tốt; bạn càng dễ thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình.
Cần làm gì để cải thiện kỹ năng?
– Rèn luyện sự tự tin
Sự tự tin giúp đạt được những gì bạn mong muốn. Những người thành công luôn nói rằng tin vào chính bản thân mình là chìa khoá của họ. Tuy nhiên, xây dựng niềm tin vào bản thân mình là một thử thách lớn và đôi khi cần cả một quá trình rèn luyện.
Để rèn luyện sự tự tin, trước hết hãy thay đổi suy nghĩa của bạn. Đừng nghĩ rằng kỹ năng thuyết trình kém sẽ khiến bạn không thể làm nên một buổi thuyết trình hiệu quả. Khi bạn dám đứng lên và nêu ra quan điểm của mình chính là lúc bạn đang sử dụng kỹ năng đó hiệu quả.
– Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể hay phi ngôn ngữ sẽ giúp bài thuyết trình của bạn tự nhiên, hấp dẫn, và có “hồn” hơn. Cử chỉ bàn tay linh hoạt, ánh mắt hay một cái gật đầu khi nói sẽ giúp bạn tự tin hơn và kiểm soát được trạng thái của cơ thể khi thuyết trình. Anh mắt tương tác với người nghe giúp bạn dễ dàng tạo sự kết nối với họ. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng cử chỉ hay ngôn ngữ cơ thể vì nó có thể làm sao nhãng lời nói của bạn. Tệ hơn nữa là gây khó chịu cho người nghe.
– Luyện tập thật nhiều để cải thiện kỹ năng thuyết trình
Đây dường như là bước kinh điển trong mọi bài viết về bí quyết hay cách học một thứ gì đó. Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo cả, và bạn cũng vậy. Bạn không cần phải hoàn hảo trong mọi khía cạnh của bài thuyết trình. Và cũng đừng lo sợ nếu mắc phải bất cứ lỗi sai nào. Quan trọng là bạn nhận ra các lỗi sai và tìm cách sửa chúng.