Nhiều người thường viết CV sơ sài, qua loa ở phần Sở thích vì nghĩ rằng nội dung này không quan trọng, khiến phần thông tin này trở nên thừa trong CV. Tuy nhiên, nếu biết cách khai thác, sở thích sẽ trở thành ưu điểm, giúp gia tăng ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng
Tầm quan trọng của việc thể hiện sở thích cá nhân trong CV
Nếu chỉ viết theo mẫu chuẩn như các trang mạng gợi ý thì CV của bạn sẽ không có nhiều điểm khác biệt. Điều này có thể gây sự nhàm chán cho nhà tuyển dụng. Và tất nhiên, CV của bạn có thể bị bỏ qua khi không có sự nổi bật thu hút nhà tuyển dụng. Vậy nên, bạn hãy tận dụng những sở thích của bản thân để tạo ra điểm nổi bật và sự mới mẻ trong CV xin việc của chính mình nhé. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được những lợi thế mà bạn có so với các ứng viên khác thông qua sở thích của mình.
Cách viết sở thích trong CV chuẩn chỉnh có thể đem lại những lợi ích cụ thể như:
- Thể hiện kỹ năng nổi bật của bản thân để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng
- Tạo nên sự khác biệt so với những ứng viên khác
- Thể hiện được màu sắc cá tính của riêng bạn mà không bị trùng lặp với bất kỳ ai
- Cung cấp những gợi ý thú vị về tính cách cũng như con người bạn để có thể trao đổi với nhà tuyển dụng.
Các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những ứng viên vừa có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm làm việc tốt lại vừa có ý chí phát triển bản thân và luôn hết mình cống hiến cho doanh nghiệp. Vì vậy, thông qua mục sở thích trong CV, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được phần nào sự phù hợp của ứng viên với vị trí tuyển dụng và môi trường làm việc.
Những nhóm sở thích nên ghi trong CV
– Sở thích liên quan đến công việc: Hãy chọn nêu những sở thích tạo sự kết nối và chứng minh khả năng, kỹ năng, đam mê hoặc bổ trợ cho lĩnh vực của bạn. Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vị trí Nhân viên Marketing, hãy đề cập các sở thích như: chụp ảnh, viết blog, cập nhật tin tức,…
– Sở thích có giá trị xã hội: Nếu sở thích của bạn liên quan đến các hoạt động xã hội, tổ chức tình nguyện, việc đưa vào CV sẽ giúp truyền tải hình ảnh tích cực về tính cách, đạo đức, phẩm chất của bạn
– Sở thích thể hiện cá tính: Đối với những công việc đòi hỏi cá tính cao, các sở thích như vẽ, sáng tác, thiết kế,… sẽ giúp thể hiện phong cách của bạn, để lại dấu ấn trong mắt nhà tuyển dụng.
Mục sở thích cá nhân nên bổ sung vào CV khi nào?
Nhìn chung, phần sở thích cá nhân không phải là phần bắt buộc phải có trong CV xin việc. Vì thế, bạn chỉ nên chú trọng đến cách viết sở thích trong CV ở một số trường hợp như:
– Chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc: Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, phần kinh nghiệm làm việc trong CV sẽ rất trống trải. Lúc này, các sở thích cá nhân có thể “cứu cánh”, chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn có tính cách phù hợp với vị trí đang ứng tuyển.
– Công ty có văn hóa doanh nghiệp đặc thù: Với các vị trí công việc mang tính đặc thù như hướng dẫn viên du lịch, giáo viên, hay các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức picnic, hoạt động tập thể, các sở thích như: team building, tình nguyện… đưa vào CV sẽ là một điểm cộng lớn.
– Minh chứng bản thân: Sở thích có thể chứng minh kiến thức, sự am hiểu của bạn về một lĩnh vực nhất định nào đó. Ví dụ, bạn ứng tuyển vị trí nhân viên content thì sở thích thiết kế đồ họa, photoshop là điểm cộng lớn.
Những sở thích nào không nên đề cập trong CV
Không phải sở thích nào cũng nên đề cập trong CV, có những sở thích bạn cảm thấy tốt nhưng nhà tuyển dụng không cảm thấy thế. Thậm chí có những sở thích còn khiến hình ảnh của bạn tệ hơn trong mắt các HR. Vì thế, trong cách viết sở thích trong CV bạn nên tránh một số điều sau đây:
– Sở thích liên quan đến vấn đề tôn giáo, chính trị: Các sở thích như: đi chùa, hay đi nhà thờ, hay những đạo giáo lý… đều mang tính nhạy cảm, và cũng không liên quan đến việc làm của bạn, do đó bạn không nên đưa vào mục sở thích của mình.
– Sở thích kì lạ: Thích nuôi bọ cạp, thích nuôi rắn, thích nuôi cá sấu, hay những con vật hoang dã là những sở thích bạn không nên đưa vào CV nếu muốn nghiêm túc và mong muốn có một vị trí công việc tốt và phù hợp.
– Sở thích không lành mạnh: Đừng dại dột mà đưa các đam mê như đua xe, đánh bài vào CV xin việc nếu không muốn nhà tuyển dụng loại ngay từ vòng xét duyệt.
– Đừng để trống mục sở thích: Nếu bạn không thấy bản thân có sở thích nổi bật thì cũng đừng để trống mục này trong CV xin việc. Bởi để trống bất cứ mục nào đều sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá CV của bạn chưa đầy đủ.