PGS.TS. Trần Văn Ơn tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội năm 1989. Sau đó, Thầy bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ năm 1996, đến năm 2002 hoàn thành xong luận án Tiến sĩ. PGS.TS. Trần Văn Ơn hiện là Phó tổng thư ký Hội thực vật học Việt Nam, nguyên trưởng bộ môn Thực vật học – Trường Đại học Dược Hà Nội. Đồng thời, Thầy là người sáng lập, Nguyên chủ tịch kiêm giám đốc công ty Dược Khoa.
Hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu thực vật học Việt Nam và thế giới, PGS. TS Trần Văn Ơn đã đóng góp hơn 77 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các sách và tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Cho đến nay, thầy Trần Văn Ơn vẫn đang trên con đường thực hiện niềm đam mê của mình – bảo tồn và phát triển cây thuốc quý, đưa Việt Nam trở thành vườn dược liệu của thế giới.
Với những đóng góp to lớn, PGS. TS Trần Văn Ơn đã được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen năm 2010, được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng ba năm 2012 cùng hàng chục bằng khen, danh hiệu khác do Bộ Y tế trao tặng.
“Cuộc đời tôi là một đường thẳng tắp, tất cả công việc tôi làm đều xoay quanh với cỏ cây dược liệu. Đó không đơn thuần là tình yêu mà còn là cả trách nhiệm, sứ mệnh của tôi. Chừng nào còn sống, tôi sẽ vẫn tiếp tục làm những công việc thế này”, PGS.TS Trần Văn Ơn tâm sự.
Vác ba lô in dấu chân khắp vùng miền đất nước, những chuyến đi “bụi bặm” theo đúng nghĩa đen ấy đã giúp “nhà khoa học của núi rừng” Trần Văn Ơn thành công khi khôi phục lại nhiều bài thuốc quý. Và hơn hết, trong lồng ngực ấy luôn nung nấu một trái tim căng ních nhiệt huyết là làm sao có thể phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái.
Nhiều kết quả nghiên cứu của thầy đã được ứng dụng vào thực tiễn (các sản phẩm từ thuốc tắm người Dao, từ cây Dây thìa canh) và được người sử dụng chấp nhận. Ngoài ra thầy còn là cha đẻ của OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) tại Việt Nam. Hiện thầy đang giành hết nỗ lực để thực hiện mơ ước biến Việt Nam thành “Vườn thảo dược”, bằng việc xây dựng hệ thống hàng chục doanh nghiệp và HTX phát triển dược liệu, trong đó cốt lõi là đa dạng hóa các sản phẩm cho sức khỏe từ dược liệu và phát triển dược liệu gắn với du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh kinh doanh 4.0 hiện nay.
Một số giải thưởng:
– Năm 2015, PGS. TS Trần Văn Ơn vinh dự được Viên khoa học nghiên cứu nhân tài – nhân lực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng bảng vàng danh dự danh hiệu “Nhà lãnh đạo xuất sắc đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội”. Cũng trong năm 2015, với những đóng góp tích cực vào sự nghiệp “Hội tụ – Làm giàu – Kiến quốc”, PGS. TS Trần Văn Ơn đã vinh dự nhận được danh hiệu “Nhà công thương Việt Nam xuất sắc”.
– Năm 2016, PGS. TS Trần Văn Ơn nhận bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang về phát triển dược liệu và xây dựng mô hình các hợp tác xã kiểu mới, chính thức nhận nhiệm vụ là Chủ tịch hiệp hội dược liệu tỉnh Hà Giang.
– Năm 2017, PGS. TS Trần Văn Ơn vinh dự được Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng bằng khen trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 – 12016.
Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu của PGS. TS Trần Văn Ơn:
– Bảo vệ cây thuốc trong và xung quanh khu vực Vườn quốc gia Ba Vì (1995);
– Nghiên cứu bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên cây thuốc Việt Nam (1998);
– Phát triển Vườn thực vật trường Đại học Dược Hà Nội theo hướng công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và bảo tồn cây thuốc (1998);
– Hiện đại hoá thuốc dân tộc cổ truyền của dân tộc thiểu số ở Việt Nam (2002);
– Thương mại hoá sản phẩm bản địa: Hướng đi mới nhằm xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng dân tộc miền núi (2008);
– Tác dụng hạ đường huyết của cây Dây thìa canh (Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br. ex Schult) ở Việt Nam (2008);
– Bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thực vật dược liệu ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp (2009);
– Cẩm nang sử dụng và phát triển cây thuốc ở Việt Nam (2010);
– Nghiên cứu các dược liệu và bài thuốc có tác dụng điều trị đái tháo đường (2011);
– Đổi mới cho phát triển toàn diện trong thực hành: Trường hợp nghiên cứu phát triển thảo dược cho đồng bào dân tộc miền núi ở Tả Phìn – Sapa – Lào Cai (2012)