Ngày 22/12/2023-25/12/2023, Công ty Cổ phần Dược Khoa đã tổ chức khóa đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và các nhân viên chủ chốt trong Hệ thống Dược khoa, chủ đề trọng tâm là “Quản trị sự thay đổi”,”Văn hóa chất lượng; ISO, GPs trong phân phối”, “Xây dựng BSC-KPI”
Mở đầu đợt đào tạo, Tổng Giám đốc Nguyễn Trường Giang đã chia sẻ tính cấp thiết của việc cần phải đổi mới bằng những con số rất cụ thể, rõ ràng:
– Thống kê trên thế giới cho thấy
– 80% doanh nghiệp biến mất sau 10 năm
– 40% công ty mạnh về tài chính biến mất sau 10 năm
– 30% công ty trong TOP 500 của Mỹ phá sản hoặc biến mất sau 7 năm
Điều này được lý giải là khi đã có một số thành công nhất định, hầu hết chúng ta đang ngủ quên trên chính thành công đó và không muốn thay đổi. Dần dần chúng ta sẽ làm việc theo quán tính, theo “bản năng” và luôn tư duy “Tôi Biết Rồi”. Chính điều này mang tới cho các doanh nghiệp sự thụt lùi và khó đổi mới.
Trong bài giảng của mình, TGĐ Nguyễn Trường Giang đã nêu ra phương pháp luận về “Quản trị sự thay đổi”; 8 bước quản trị sự thay đổi; phương pháp xác định nhu cầu thay đổi thông qua phân tích các chỉ số, mô hình BSC, PEST,…; phương pháp lập kế hoạch thay đổi; khung 4 hành động; cách duy trì sự thay đổi trong đó nhấn mạnh việc học tập tu dưỡng theo phương pháp vòng lặp kép giúp mỗi cá nhân có phương pháp tư duy và điều chỉnh ngay cả niềm tin và giả định cố hữu sẵn có trong mỗi người. Từ đó giúp mỗi cá nhân hoàn thiện bản thân đi cùng với đó là phát huy được sự sáng tạo đổi mới giúp mang lại hiệu quả trong công việc.
Về mặt chất lượng, trong đợt đào tạo, một lần nữa các cán bộ nhân viên được đào tạo và cập nhật các quy định mới về chất lượng với giảng viên là GĐCL Hoàng Sỹ Đường. Điểm mới trong bài giảng lần này, GĐCL Hoàng Sỹ Đường nhấn mạnh về “văn hóa chất lượng” trong đó việc xây dựng “Tư duy chất lượng” theo hệ thống tổng thể đến từng quy trình cụ thể và từng nhân viên trong hệ thống Dược Khoa nhằm duy trì chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Cũng trong đợt đào tạo, PGS TS Trần Văn Ơn một lần nữa khẳng định: 𝑵𝒐𝒏 𝒑𝒓𝒐𝒈𝒓𝒆𝒅𝒊 𝒆𝒔𝒕 𝒓𝒆𝒈𝒓𝒆𝒅𝒊 (𝑁𝑜𝑡 𝑡𝑜 𝑔𝑜 𝑓𝑜𝑟𝑤𝑎𝑟𝑑 𝑖𝑠 𝑡𝑜 𝑔𝑜 𝑏𝑎𝑐𝑘𝑤𝑎𝑟𝑑) – Không tiến tức là lùi nhấn mạnh việc phải liên tục tiến về phía trước của doanh nghiệp và mỗi cá nhân: “Mỗi người ở vị trí của mình, làm tốt việc của mình, và hợp tác tốt với nhau để góp phần đưa công ty tiến lên, từ đó, từ sự tiến lên của công ty cũng sẽ đóng góp một phần nhỏ trong sự phát triển chung của ngành Dược nước nhà.”
Trong bài giảng của mình, PGS.TS Trần Văn Ơn đã hướng dẫn 9 bước xây dựng BSC/KPI cho tất cả các cán bộ chủ chốt của công ty trong đó Thầy nêu rõ : “Việc xây dựng các mục tiêu, chiến lược phải dựa trên đánh giá BSC (thẻ điểm cân bằng) để các mục tiêu chiến lược cân bằng với nhau dựa trên quan hệ nhân quả của 4 thành tố: phát triển năng lực (4), Quản trị vận hành (3), Khách hàng và thị trường (2), Tài chính (1) trong đó điều đầu tiên phải có những mục tiêu nhằm phát triển nâng cao năng lực của nội tại của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy và nâng cao năng lực quản trị vận hành, chính những điều này sẽ giúp cải thiện và nâng cao được sự hài lòng và thỏa mãn của khách hàng, khi đó chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu về tài chính. Như vậy mới là cân bằng.”
Qua các bài giảng của PGS.TS Trần Văn Ơn, TGĐ Nguyễn Trường Giang, GĐCL Hoàng Sỹ Đường, các CBCNV đã được hướng dẫn phương pháp rèn luyện, tư duy đổi mới, cách tiếp cận vấn đề và xây dựng mục tiêu cho từng bộ phận, đây cũng chính là mục tiêu mỗi cá nhân và bộ phận cam kết thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo giúp mỗi người hoàn thiện và doanh nghiệp từng bước đi lên một cách bền vững và cân bằng theo đúng định hướng của DK.
Sau 3 ngày đào tạo cùng khoảng thời gian trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc và làm bài tập nhóm, đợt đào tạo lần 2 năm 2023 đã kết thúc tốt đẹp và để lại rất nhiều những nội dung quý báu cho mỗi học viên.